0

Hiện chưa có sản phẩm

Tổng tiền:

Chiếc Áo Cà Sa – Biểu Trưng Của Sự Giác Ngộ Và Phật Pháp

Chiếc Áo Cà Sa – Biểu Trưng Của Sự Giác Ngộ Và Phật Pháp

Không như pháp phục của những tôn giáo khác, chiếc áo cà sa của đạo Phật không thuần túy chỉ là chiếc y che mình mà đã trở thành một hình ảnh mang tính biểu trưng của Phật giáo. Đối với hàng phật tử xuất gia, được khoác trên mình chiếc y cà sa để hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sinh là một hạnh duyên thù thắng mang lại nhiều hạnh phúc, an lành và thành tựu.

Cà sa – dịch từ tiếng Phạn là kasaya tên đầy đủ là cà sa duệ, theo nghĩa đó, kasaya không có ý nghĩa là y áo, y phục mà có nghĩa là bạc màu, cáu cặn hay hư hoại. Sách chữ Hán dịch kasaya là đạm (màu nhạt), trọc hay trược (đục, dơ bẩn, ô nhiễm, rác bẩn), hoặc còn dịch chữ này là hoại sắc, bất chính sắc, hư nát, dính bẩn… Tóm lại, chiếc áo cà sa của người Phật tử xuất gia tượng trưng cho những gì nghèo nàn, thô sơ, giản dị và khiêm nhường nhất.

1. Nguồn gốc áo cà sa

Theo Luật tạng, từ thuở sơ khai, pháp phục phật giáo của các tăng đoàn không khác biệt gì với những người tu hành thuộc các truyền thống tôn giáo khác. Vì thế, một đệ tử của đức Phật là vua Bimbisara của nước Magadha, đã đề nghị với Phật xin cho các đệ tử có pháp phục khác hơn.

Khi đó, Đức Phật đang du hành phương Nam để thuyết giảng, thấy những thửa ruộng lúa hình chữ nhật, chia cắt bởi những đoạn bờ thẳng tăm tắp, liền bảo A-nan-đà đang cùng đi với Ngài dựa  theo hình ảnh này mà may áo cho tăng đoàn và gọi đó là áo cà sa.

Vì vậy, chiếc y cà sa mang hình những hình chữ nhật ghép lại với nhau tượng trưng cho những thửa ruộng. Cũng vì thế trong kinh sách tiếng Hán, pháp phục Phật giáo này còn được gọi là phước y điền tức là áo hình thửa ruộng mang phước hạnh.

2. Ý nghĩa của chiếc áo cà sa

Chiếc cà sa của đạo Phật ngoài tác dụng để che thân còn có tác dụng như một tấm chăn đắp hay dụng cụ để ngồi, vì vậy, chiếc y cà sa còn có tên gọi là phu cụ (dụng cụ để đắp) hay tọa cụ (dụng cụ để ngồi). Chiếc y cà sa được may bằng cách ráp nối những mảnh vải vụn lượm lặt lại với nhau, theo cách này sẽ tận dụng và tiết kiệm vải rất nhiều và có thể thay các miếng khác nhau khi có miếng nào bị rách, hỏng. Điều đó cũng nói lên ý nghĩa khiêm nhường và giản dị của chiếc y cà sa

Chiếc y cà sa có nhiều mảnh cũng là sự biểu trưng cho con đường tu tập hướng đến giác ngộ có nhiều thứ lớp, giai đoạn. Đức Phật đã trải qua vô lượng kỳ kiếp để đạt đến chứng quả Bồ đề. Mỗi hành giả đời sau phải liên tục tích lũy công đức, tạo phúc, sửa chữa lỗi lầm, làm cho tâm trong sạch, bảo vệ tăng đoàn trước những nghiệp chướng, biết chờ đợi đủ nhân duyên, đúng thời kỳ mới có được thành tựu

Chiếc áo cà-sa qua thời gian, không gian đã có những thay đổi để phù hợp với điều kiện môi trường khí hậu, phong tục, tập quán của mỗi quốc gia, mỗi vùng đất nhưng những biến đổi đó không làm mất đi những giá trị biểu trưng, những hình tượng tiêu biểu của đạo Phật.